Lượt xem: 277

Hội thảo về chăm sóc và bảo vệ trái vú sữa tím

Tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách tổ chức Hội thảo Khoa học giới thiệu kết quả Đề tài “Đánh giá ảnh hưởng của các loại vật liệu túi bao trái và liều lượng phân canxi clorua đến chất lượng trái vú sữa tím ở huyện Kế Sách”.

 


Quang cảnh hội thảo

 

    Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng; Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ - Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Xuân Hòa, xã Trinh Phú và nhà vườn thuộc các hợp tác xã (HTX) Quyết Thắng (xã Xuân Hòa), HTX Lộc Mãi (xã Trinh Phú).

    Huyện Kế Sách có diện tích trồng vú sữa là hơn 1.900 ha, được trồng tập trung chủ yếu tại các xã: Xuân Hòa, Trinh Phú, Ba Trinh, Phong Nẫm; gồm các giống: Vú sữa tím, vú sữa tím đào, vú sữa tím tứ quý, vú sữa lò rèn và vú sữa bơ hồng. Diện tích vú sữa đang cho trái là hơn 1.600 ha, sản lượng 48.000 tấn/năm. Đến nay, có 8 HTX trồng vú sữa được cấp 24 mã số vùng (điều kiện để có thể xuất khẩu) với diện tích hơn 180 ha/199 hộ; 4 HTX trồng vú sữa được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo Quy trình VietGAP với diện tích 103,5 ha/96 hộ và 3 HTX trồng vú sữa được cấp nhãn hiệu hàng hóa.

    Trong 4 niên vụ, từ năm 2018 đến năm 2022 đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Singapore được 420 tấn trái vú sữa các loại. Trái vú sữa tím của huyện Kế Sách được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Cây vú sữa đã giúp nhiều nhà vườn ở Kế Sách thoát nghèo, trở nên sung túc, khá giả.

    Các HTX trồng vú sữa tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm vừa đạt yêu cầu sản lượng cung ứng ổn định, kích cỡ đồng đều, mẫu mã đẹp vừa đáp ứng được chất lượng ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật.

    Nhằm hỗ trợ các HTX sản xuất sản phẩm trái vú sữa đạt được các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tốt hơn, phục vụ cho xuất khẩu và phân khúc chất lượng cao của thị trường trong nước, Đề tài “Đánh giá ảnh hưởng của các loại vật liệu túi bao trái và liều lượng phân canxi clorua đến chất lượng trái vú sữa tím ở huyện Kế Sách” được thực hiện.

    Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thuở - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ - Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng, kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy:

    Về vật liệu bao trái: So với bao bằng túi vải xốp không dệt, túi ½ nylon trong + ½ vải xốp, thì bao bằng túi nylon trong có tỉ lệ ruồi đục trái thấp (3,3%), trọng lượng trái cao tương đương bao vải xốp (235 gram), độ ngọt (brix 14,2) tương đương với khi bao bằng vải xốp; tỉ lệ nứt trái cao hơn các vật liệu còn lại (nứt trái khoảng 10%). Bên cạnh đó, túi nylon trong có giá thành thấp nhất trong các loại túi, có thể bao được cho các trái trên cao bằng dụng cụ bao trái tại địa phương. Do đó, sử dụng vật liệu nylon trong để bao trái vừa thuận tiện, chi phí thấp, đảm bảo năng suất, chất lượng trái phù hợp với thị trường trong và ngoài nước.

    Về thời điểm bao trái: Bao trái đúng cách trong khoảng thời gian từ 90 đến 120 ngày sau khi đậu trái (SKĐT), trái không bị ruồi đục trái tấn công, độ ngọt cao (trên 14,0). Trong khi bao ở thời điểm 150 ngày SKĐT, trọng lượng và đường kính trái có lớn hơn bao ở giai đoạn 90-120 ngày; tuy nhiên, tỉ lệ bị ruồi đục trái tấn công lên đến 9,1% số trái.

    Về nồng độ canxi và thời điểm phun canxi: Phun canxi clorua nồng độ 2,0% vào lúc 90 và 120 ngày SKĐT cho thấy, trái có tỉ lệ nứt trái thấp (17,2%) so với đối chứng không phun (tỉ lệ nứt 37,1%), không bị chạy chỉ vỏ trái (hiện tượng rễ tre); trọng lượng (215 g), đường kính (72,2 mm) và độ ngọt (brix 13,7) cao đạt tiêu chuẩn yêu cầu của nước nhập khẩu và phân khúc chất lượng cao của thị trường trong nước.

    Ý kiến thảo luận của các nhà vườn trồng vú sữa tán thành với kết quả nghiên cứu của đề tài; đồng thời, đều cho rằng vườn bị dư nước (do mưa trái mùa, do mực nước trong mương cao) và dư phân đạm trong giai đoạn trái phát triển nhanh là nguyên nhân gây nứt trái. Trái bị che khuất trong tán lá thường có tỉ lệ nứt trái cao hơn.

    Khuyến cáo được đưa ra sau hội thảo là: Nhà vườn trồng vú sữa nên bao trái bằng túi nylon trong thời điểm từ 90 đến 120 ngày SKĐT; trước khi bao trái có thể phun canxi clorua nồng độ 2,0% để hạn chế tình trạng nứt trái; cũng có thể bón vôi vừa nhằm giảm độ chua của đất vườn vừa hạn chế nứt trái. Biện pháp tỉa cành cho cây thông thoáng, giữ mực nước trong mương cách mặt liếp tối thiểu 50 cm; bón bổ sung phân hữu cơ cũng giúp giảm tỉ lệ nứt trái và tăng chất lượng trái vú sữa. Áp dụng các giải pháp kỹ thuật vừa nêu giúp nhà vườn sản xuất được trái vú sữa đạt tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Vũ Bá Quan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 59
  • Hôm nay: 7185
  • Trong tuần: 77,892
  • Tất cả: 11,801,212